![]() |
Thời gian qua, vàng đã vụt lên mức giá đỉnh cao mới nhưng rồi tạm thời tụt xuống do làn sóng lấy lời quen thuộc.
Kim bản vị trở lại?
Nhiều quan sát viên cho rằng giá vàng lên xuống theo hình zig zag cũng chỉ để làm đà sửa soạn nhảy lên các kỷ lục mới do sự mất lòng tin vào tiền giấy của nhiều nước. Khuynh hướng này được sự tán đồng của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khi mới đây ông đã nhắc lại vai trò quan trọng của vàng trong chế độ kim bản vị (gold standard) của những năm xưa khi vàng được cả thế giới tài chính coi như thước đo giá trị của các đồng tiền “giấy” của nhiều quốc gia. Lời tuyên bố của ông đã gây “sóng” lớn cho vàng từ vài tuần nay cũng như nhiều xôn xao trong các thị trường tài chính và hàng hóa. Và chợt nhớ mấy câu vè của ông Lương Văn Tự (nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại) về vàng ở Việt Nam:
“Ngày xưa bản vị là vàng
Ngày nay tiền tệ đường hoàng lên thay
Bây giờ tiền tệ lung lay
Những người lo ngại lại quay về vàng”
Và những lựa chọn chính sách tiền tệ trong bối cảnh khủng hoảng
Chuyện giá vàng mới gây “sóng to”, hay nhắc nhở về kim bản vị trên đây, hay chuyện chính sách “nới lỏng định lượng” của FED (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) đều có liên hệ mật thiết với nhau như dưới đây.
Ngày 3-11, khi FED họp thông báo về chính sách nới lỏng tiền tệ QE 2, cả giới tài chính toàn cầu chờ đợi xem FED sẽ quyết định tăng liền một lúc lượng mua trái phiếu vào khoảng 600 tỉ đô la Mỹ (để bơm thêm thanh khoản vào nền kinh tế Mỹ với tác động lớn ngay lập tức), hay chỉ tăng nhỏ giọt làm nhiều kỳ, mỗi kỳ mua độ 100 tỉ.
Chọn lựa triển khai theo cách thứ hai của FED rốt cuộc nhằm tránh làm xao động thêm nền tài chính thế giới. Nhất là nguy cơ chiến tranh tiền tệ khi các ngân hàng trung ương khác có thể cũng phải tiếp tục nới lỏng thêm chính sách tiền tệ để bảo vệ tỷ giá và thúc đẩy thêm độ tăng trưởng kinh tế trong nước của họ.
Một chi tiết nữa là từ giữa năm 2008 FED can thiệp mạnh mẽ qua chính sách QE 1 bằng cách mua mạnh mẽ trái phiếu, nâng cao ba lần bảng cân đối (balance sheet) của họ từ 800 tỉ đô la Mỹ lên 2.400 tỉ đô la Mỹ. Lúc này nhiều lo ngại đã xuất hiện về tỷ giá đồng đô la Mỹ và ảnh hưởng đến mức thanh khoản quá cao trong hệ thống tài chính toàn cầu và đã là một động lực chính đẩy giá vàng lên cao khi giới đầu tư và đầu cơ mua vàng như một tài sản an toàn (safe heaven asset).
Nếu lần này FED mua luôn 600 tỉ đô la Mỹ trái phiếu, bảng cân đối sẽ lên tới 3.000 tỉ đô la Mỹ và càng làm vàng có giá trị hơn như tài sản để dành, dù lạm phát Mỹ hay thế giới chưa bốc ngay trong ngắn hạn. Đây là lý luận mà ít người để ý khi cho rằng lúc kinh tế chưa phục hồi mạnh thì lạm phát sẽ còn thấp và giá vàng sẽ phải xuống mạnh! Như một thách thức, vàng hiện đang ở chung quanh mức những kỷ lục mới thiết lập trên 1.400 đô la Mỹ/ounce. Nhiều quan sát viên cho là giá vàng còn có thể leo lên các đỉnh cao mới trong 2-3 năm tới.
Trở lại tình hình Mỹ, Nhà Trắng đã phải chấp nhận thua trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ và mất đa số tại Hạ viện về tay đảng Cộng hòa do thất bại của các chính sách kinh tế trong hai năm qua. Tổng thống Obama đang phải tìm kiếm một nhóm cố vấn kinh tế mới với những chính sách mới để đẩy mạnh phục hồi kinh tế nếu muốn được tái nhiệm trong hai năm nữa.
Lộ trình về chính sách trước mắt không phải là dễ dàng khi FED đã tận dụng các công cụ chính sách tiền tệ từ lãi suất thấp đến nới lỏng định lượng. Đặc biệt là các chính sách kinh tế để giải quyết nạn thất nghiệp đang ở mức cao mới, cũng như để ổn định hệ thống tài chính ngân hàng, nhằm đẩy mạnh đà hồi phục kinh tế Mỹ và toàn cầu đang chậm lại từ quí 3 (GDP của Mỹ chỉ tăng 2% trong quí này).
Kỳ họp của nhóm G-20 mới đây ở Seoul đã giúp giảm bớt căng thẳng khi các cường quốc lên tiếng hứa hẹn cộng tác để tránh cuộc chiến tiền tệ. Nhưng các nhà bình luận vẫn khó quên hiện tượng “beggar thy neighbor” (hiểu nôm na là mặc kệ anh hàng xóm) đã xảy trong kỳ đại suy thoái kinh tế, lúc các cường quốc kinh tế chỉ theo chính sách vị kỷ từng nước, thi nhau phá giá đồng tiền của mình để giữ mức xuất khẩu cao, giảm nhập khẩu, và áp dụng bảo hộ mậu dịch.
Vì thế chính sách “nới lỏng tiền tệ” trên đây của Mỹ cũng đã bị nhiều kinh tế gia có uy tín chỉ trích như kém hiệu quả để kích thích tăng trưởng hay giúp giảm thất nghiệp nhanh ở Mỹ. Chẳng hạn, GS. Joseph Stiglitz (đã từng đoạt giải Nobel) cho rằng chính sách này của FED sẽ có rất ít hiệu quả, ngược lại có thể làm tăng nguy cơ khủng hoảng về chiến tranh tiền tệ.
Lý luận chính của ông là hiện nay lãi suất ở Mỹ quá thấp và đang ở trong tình trạng “bẫy thanh khoản” (liquidity trap) như Nhật Bản năm 1980. Vì vậy nới lỏng tiền tệ không giúp lãi suất hạ thêm bao nhiêu và cũng khó làm các xí nghiệp lớn thay đổi chính sách đầu tư của họ. Trong khi đó, do các ngân hàng đang siết chặt chính sách tín dụng đối với các xí nghiệp nhỏ và vừa hay các cá nhân và hộ tiêu dùng (households), việc tìm vay mua nhà cửa hay xe hơi hiện nay ở Mỹ đang rất khó.
Do đó GS. Stiglitz đề nghị áp dụng chính sách tài khóa như chi tiêu công sẽ có ảnh hưởng mạnh và trực tiếp hơn đến tiêu dùng và kích thích kinh tế. Một số nhà kinh tế khác cũng hỗ trợ chính sách này bằng cách cấp tiền thưởng (tax credit) cho các xí nghiệp thuê thêm nhân công, hay cổ vũ chính phủ cả liên bang lẫn tiểu bang thuê trực tiếp thêm nhân viên trong các dự án xây dựng hạ tầng.
Cũng không thể quên chính sách giảm thuế để kích thích kinh tế như dưới thời Tổng thống Bush hay Tổng thống Reagan, nhưng lại chạm mạnh vào một nguyên tắc lý tưởng trong triết lý và chính sách đã nêu rõ của Tổng thống Obama là tái lập công bình trong hệ thống thuế bằng cách đánh thuế người giàu nhiều hơn và chỉ giảm hay giãn thuế cho giới trung lưu và người nghèo.
Nhưng gần đây nhất, sau khi đảng Dân chủ thất bại, Tổng thống Obama đã phải nhượng bộ đảng Cộng hòa và gia hạn các chính sách giảm thuế trước đây của Tổng thống Bush trong hai năm. Nhất là vì Nhà Trắng đang mất đi các nhân sự chiến lược giúp điều hòa những chính sách quan trọng, đặc biệt là về kinh tế.
Làm sao phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa hài hòa?
Nới lỏng tiền tệ làm hạ lãi suất Mỹ và thế giới đã là liều thuốc kích thích các thị trường chứng khoán toàn cầu, nhất là ở Mỹ. Và một giải pháp tiền tệ có thể còn hiệu quả mạnh mẽ hơn nữa là, theo đề nghị của Bill Gross (Giám đốc điều hành của Công ty Đầu tư trái phiếu PIMCO), giảm hẳn thêm 1-2 điểm phần trăm (percentage points) cho lãi suất tín dụng bất động sản (mortgage rate) để làm tăng giá nhà cửa độ 10-15% vào mùa xuân năm tới, hầu giúp hồi phục nhanh chóng khu vực xây cất và mua bán nhà cửa và cả nền kinh tế Mỹ. Sau đó, dân chúng Mỹ có thể thêm lòng tin để chi tiêu mạnh tay hơn và bớt đi thái độ thận trọng từ hai năm nay trong việc lập lại cân bằng tài khoản cá nhân của họ (balance sheet repair).
Nên thêm vào đó các liều lượng thích hợp của chính sách tài khóa như đã bàn ở trên, nhưng một số tiểu bang như California không dễ thực hiện do tình trạng ngân sách quá thâm hụt và nợ nần hiện nay của tiểu bang này, do có nhiều chính sách chi phúc lợi cho nhóm có thu nhập thấp quá rộng rãi.
Chính sách tài khóa cũng phải được áp dụng uyển chuyển để không làm dấy lên nỗi ám ảnh về thất thu ngân sách đã quá cao và nợ công ngập đầu của Mỹ. Vì vậy song hành với việc nâng các chi tiêu đầu tư cho hạ tầng cơ sở để tăng việc làm nhanh chóng, Tổng thống Obama đã quyết định “đóng băng” tiền lương của các công chức liên bang để giảm chi tiêu thường xuyên trong hai năm tới, nhằm thể hiện chính sách mới áp dụng kỷ luật về ngân sách.
Trong khi đó, châu Âu vẫn phải dè dặt trong chọn lựa giữa thúc đẩy phục hồi kinh tế nhanh và vấn đề kỷ luật ngân sách để không làm trầm trọng thêm mối khủng hoảng về nợ công.
Chỉ đặc biệt nhất khi nhìn sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc với nhiều tương phản về mục tiêu cũng như chính sách với kinh tế Mỹ. Thật vậy trong khi FED đang cố “bơm thêm” tiền vào nền kinh tế bằng cách mua thêm các trái phiếu chính phủ và tư nhân qua QE 2, thì ngược lại Trung Quốc đang tích cực hút bớt khối tiền lưu thông bằng cách bán ra hết các trái phiếu chính phủ và bán thêm cả các trái phiếu do “ngân hàng trung ương phát hành”. Vì vậy, Trung Quốc gần như có nợ công rất ít, tương phản với Mỹ.
Mặt khác, khi dân cư Mỹ đang thay đổi triết lý về ăn tiêu sau cuộc khủng hoảng bằng cách thắt lưng buộc bụng để giảm vay nợ, thì ở Trung Quốc các chuyên gia quốc tế lại khuyên ngược lại. Từ nhiều thập niên, do mức thặng dư của cán cân thanh toán, Trung Quốc nắm giữ trên 2.600 tỉ đô la Mỹ dự trữ ngoại tệ. Cả thế giới, nhất là Mỹ, tạo áp lực với Trung Quốc đòi phải nâng tỷ giá của nhân dân tệ (để làm giảm thặng dư thương mại hàng năm) và phải giảm mức tiết kiệm của dân Trung Quốc (ở mức cao nhất thế giới là 52% GDP năm 2009). Lý do là vừa để người dân chi tiêu nhiều hơn làm tăng mức sống và phúc lợi của họ, vừa giúp nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ và các nước khác để giảm cán cân thương mại khổng lồ của Trung Quốc.
Việc này cũng nhằm nâng cao vai trò đầu tàu của Trung Quốc cùng với Mỹ trong nền kinh tế thế giới năm 2011 khi các chính sách bảo thủ hơn đang được áp dụng ở châu Âu và Nhật Bản vì lý do thắt chặt ngân sách chi tiêu.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa:
Copyright © 2010 USS Corp . All rights reserved.
Thitruongvang.net là mạng thành viên của Cổng thông tin kinh tế Việt Nam và thế giới - tinkinhte.com
Giấy phép số 107/GP-TTĐT do Cục QLPTTT&TTĐT - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 26/8/2009.
Ghi rõ nguồn "thitruongvang.net" khi bạn phát hành lại thông tin từ trang này.