Việc siết chặt hoạt động kinh doanh vàng là cần thiết, song điều khiến nhà đầu tư và các doanh nghiệp băn khoăn là lộ trình được thực hiện như thế nào?
Thị trường vàng nước ta trầm lắng kể từ khi có thông tin các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ siết chặt hoạt động kinh doanh vàng miếng. Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (HHKDVVN), việc siết chặt quản lý sản xuất và kinh doanh vàng là cần thiết. Nhưng trước mắt không nên cấm hoàn toàn hoạt động kinh doanh vàng miếng, mà nên đưa ra các điều kiện chặt chẽ hơn để giảm bớt số lượng cửa hàng, hộ kinh doanh vàng cá thể.
Để được cấp phép kinh doanh vàng miếng, ngoài giấy phép kinh doanh thông thường, DN cần có vốn pháp định tối thiểu 30 tỷ đồng và doanh thu 2 năm gần nhất là 500 tỷ đồng trở lên. Trong đó, vấn đề quản lý kinh doanh vàng miếng được quan tâm nhiều nhất.
Theo HHKDVVN, ở Việt Nam hiện có 8 thương hiệu vàng miếng. Nhưng số lượng đơn vị kinh doanh mặt hàng này lên tới hàng nghìn và việc cấp phép cũng rất đơn giản, không có điều kiện nào ràng buộc ngoài việc đăng ký kinh doanh với Sở KH-ĐT.
Để giảm dần việc giao dịch vàng miếng, Hiệp hội đề xuất khởi động lại hoạt động giao dịch vàng qua tài khoản với một hành lang pháp lý chặt chẽ và cách thức tổ chức, quản lý bài bản hơn trước. Theo đó, nên sớm xúc tiến thành lập Sở Giao dịch vàng Quốc gia, dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng.
Ông Phí Đăng Minh, nguyên Vụ phó Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) phân tích: Nếu Ngân hàng Nhà nước đứng ra tích trữ vàng thay dân thì sẽ cần một lượng vốn lớn để mua lại lượng vàng hiện có trong dân, ước tính khoảng 500 tấn, tương đương 20 tỷ USD. Do vậy, sự tham gia của các DN là cần thiết. Nhưng theo TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, những DN tham gia thị trường vàng phải là lực lượng Nhà nước có thể kiểm soát được.
Liên quan tới hoạt động xuất/nhập khẩu vàng hiện nay, HHKDVVN đề nghị có cơ chế linh hoạt hơn nhằm giúp thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường quốc tế, tránh được những cú sốc về giá và góp phần giảm thiểu tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới. Hoạt động xuất nhập khẩu vàng cần tập trung cho những DN có khả năng tài chính, có kinh nghiệm và có mạng lưới sản xuất kinh doanh, đủ điều kiện để bình ổn thị trường.
Hiệp hội cũng kiến nghị mở lại nghiệp vụ kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, giúp các ngân hàng thương mại và DN cân đối trạng thái, qua đó phòng ngừa rủi ro biến động giá thông qua các công cụ phái sinh, mà không nhất thiết phải thực hiện xuất/nhập khẩu vàng. Việc cho phép mở tài khoản giao dịch vàng ở nước ngoài chỉ nên giới hạn đối với các DN có thị phần kinh doanh lớn, có đủ kinh nghiệm và chuyên gia.
Theo phân tích của các DN kinh doanh vàng thì cách làm này sẽ giúp cho DN đỡ được kinh phí nhập hay xuất khẩu vàng khi giá cả có biến động và giảm những chi phí phái sinh. Theo ông Đỗ Minh Phú, Tổng Giám đốc Tập đoàn vàng bạc đá quí DOJI - Phó Chủ tịch HHKDVVN - để làm được điều đó, cũng cần lựa chọn DN có đủ điều kiện tham gia hoạt động này: “Chỉ nên giới hạn ở những DN có đầy đủ tiềm lực tài chính, có chuyên gia và kinh nghiệm trong lĩnh vực này, tránh tình trạng bung ra quá nhiều”./.
(Báo Điện tử Đài TNVN)
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa:
Copyright © 2010 USS Corp . All rights reserved.
Thitruongvang.net là mạng thành viên của Cổng thông tin kinh tế Việt Nam và thế giới - tinkinhte.com
Giấy phép số 107/GP-TTĐT do Cục QLPTTT&TTĐT - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 26/8/2009.
Ghi rõ nguồn "thitruongvang.net" khi bạn phát hành lại thông tin từ trang này.